Project Description

1. Tuyên bố mục đích xã hội rõ ràng:

Mục tiêu xã hội của dự án Vườn rừng Bản Thổ là vừa góp phần bảo tồn, khôi phục rừng, bảo vệ sự đa dạng sinh học, vừa tạo được sinh kế bền vững cho người dân địa phương ngay trên chính mảnh đất quê hương và góp phần khôi phục văn hóa cổ truyền của người dân tộc thiểu số địa phương.

2. Vấn đề xã hội

-Diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp, bị phá đi để trồng độc canh cây keo, làm hệ sinh thái mất đi sự cân bằng, không còn rừng để điều tiết nước ngầm, điều hòa khí hậu, dẫn tới hạn hán, lũ quét, sạt lở, biến đổi khí hậu nặng nề.

– Hiệu quả kinh tế tạo ra trên diện tích đất thấp vì chỉ trồng keo (5 năm lại chặt trọc đi, hiệu quả kinh tế rất thấp), người dân lại không biết cách thức thực hiện khác đi.

– Đất đai rộng lớn nhưng bị bỏ hoang nhiều, bỏ phí tài nguyên.

– Sự bất ổn trong đời sống của người dân: Ở quê chỉ có người già và trẻ nhỏ – những người cần được chăm sóc; người trẻ đi làm ăn ở các khu công nghiệp, các thành phố lớn, song cũng chật vật, thu nhập không cao, không lo tốt cho người ở nhà, thiếu tính bền vững – đặc biệt sự bất ổn này càng sâu sắc khi dịch covid trở nên nặng nề “Ở thì chết đói, về thì không được”.

– Những người quá độ tuổi làm việc ở các khu công nghiệp, những người phụ nữ dân tộc, yếu thế (hộ nghèo, khuyết tật) tại địa phương cũng khó có thể kiếm được thu nhập tốt để trang trại cuộc sống.

– Việc lạm dụng hóa chất: diệt cỏ, trừ sâu,…trong canh tác nông nghiệp làm chính sức khỏe người nông dân bị tổn hại.

– Người tiêu dùng thiếu đi những sản phẩm được sản xuất minh bạch, sạch thực sự đất sạch – nước sạch – không khí sạch, kết tinh từ tinh túy núi rừng và tròn đầy dưỡng chất.

– Bản sắc dân tộc Thổ đang dần bị mai một.

3. Giải pháp

-Xây dựng HỆ SINH THÁI THỰC PHẨM – chuỗi giá trị nông sản & dược liệu theo hướng nông nghiệp sinh thái: Mang tới cho người tiêu dùng những sản phẩm thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, chăm sóc cơ thể (nông sản tươi – chế biến, thuốc nam, sản phẩm dinh dưỡng, chăm sóc cơ thể…) được canh tác minh bạch từ rừng: sạch từ đất, nước, không khí, nguồn giống bản địa, nuôi trồng không hóa chất, thu hoạch không chất bảo quản và đảm bảo đủ dinh dưỡng do sự hội tụ tinh hoa của đất – nước – ánh sáng mặt trời và chất kháng sinh tự nhiên Phytoncide ( tạo nên “Thực phẩm chính là thuốc tốt nhất”, “thực phẩm là cội rễ của vạn vật, chính thực phẩm và chỉ có thực phẩm chữa bách bệnh”.

Hướng tới chuyển giao nhân rộng mô hình cho các hộ xung quanh, xây dựng vùng nguyên liệu dược liệu, gia vị hơn 100ha đạt tiêu chuẩn BIO TRADE có thể xuất khẩu.

– Tạo sinh kế bền vững và cải thiện thu nhập, sức khỏe cho bà con trong thôn xã, thu hút người trẻ trở về quê lập nghiệp, giữ người nông dân ở lại và phát triển trên chính mảnh đất của mình.

– Tăng cường nhận thức của cộng đồng địa phương về tầm quan trọng của việc giữ và tái tạo rừng, có thể trở thành mô hình điểm về mô hình Vườn rừng: kết hợp nông lâm nghiệp nhằm tái tạo những cánh rừng, duy trì cân bằng sinh thái, góp phần chống biến đổi khí hậu, có khả năng nhân rộng được ra toàn xã, toàn huyện, tỉnh và nhiều nơi khác.

– Phục dựng, duy trì và phát huy giá trị bản địa: Các sản phẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Thổ: bắt đầu từ kiến trúc trong việc xây dựng trang trại, các bài thuốc nam cổ truyền, ẩm thực truyền thống sau đó sẽ từng bước thành lập làng sinh thái của người Thổ.

– Là động lực thúc đẩy phụ nữ miền núi vươn lên tạo dựng sự nghiệp riêng của mình, giảm thiểu sự bất bình đẳng đang tồn tại trong cộng đồng.