SBC101 case

I. GIỚI THIỆU CHUNG

Theo cách tính của thế giới thì cộng đồng người có xu hướng tính dục thiểu số (LGBTQIA+) chiếm khoảng 5-10% dân số của một quốc gia. Tại Việt Nam, chưa có con số nào thống kê đầy đủ nhưng, theo cách tính trên thì có khoảng 5-10 triệu người LGBTQIA+/ tổng số 100 triệu dân. Xã hội nào cũng muốn hướng tới sự bình đẳng, ca ngợi và tôn vinh sự đa dạng, nhưng không ai muốn thừa nhận xã hội mình, hay chính mình, vẫn tồn tại sự phân biệt đối xử và định kiến về một nhóm nào đó. Trên thực tế, cộng đồng LGBTQIA+ đang gặp nhiều khó khăn, rào cản trong tiếp cận các cơ hội học tập, phát triển kỹ năng nghề nghiệp và cơ hội việc làm. Đây là một trong những nhóm dễ bị tổn thương ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung đang phải đối mặt với rất nhiều sự phân biệt đối xử, thiệt thòi và thiếu hòa nhập xã hội. 

Nhận thức rằng đây là một nỗi đau xã hội cần phải giải quyết, Công ty Phát triển Nguồn Nhân lực Việt Hội Nhập thành lập dự án “Định hướng, đào tạo kỹ năng nghề nghiệp và cải thiện cơ hội việc làm cho cộng đồng LGBTQIA+” nhằm tạo ra một con đường mới, mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho cộng đồng người LGBTQIA+. 

II. NGUYÊN NHÂN GỐC RỄ

Việt Hội Nhập sử dụng mô hình Cây vấn đề và sự hỗ trợ từ thành viên dự án – đại diện cho cộng đồng LGBTIQA+ tại 13 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long để cùng tìm hiểu, đào sâu và làm rõ những nguyên nhân gốc rễ khiến cho cộng đồng gặp khó khăn liên quan tới việc làm.

1. VẤN ĐỀ ĐẶT RA – THỰC TRẠNG HIỆN TẠI 

Mặc dù có rất nhiều tổ chức xã hội dân sự và các nhà hoạt động vì cộng đồng LGBTQIA+ đã và đang nỗ lực đề xuất cải thiện các chính sách bảo vệ người LGBTIQA+, nhưng trên thực tế rất khó để thay đổi tư tưởng, văn hóa cũng như là nhận thức của mọi người về cộng đồng. Các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho cộng đồng LGBTQIA+ trên thị trường hiện nay chưa tạo ra được nhiều tác động xã hội hiệu quả. Vẫn còn rất nhiều người thuộc cộng đồng LGBTQA+ chưa được đào tạo và tiếp cận các cơ hội việc làm công bằng để hòa nhập xã hội.

Việt Hội Nhập đã sử dụng các phương pháp xác định vấn đề như sau:

  • Phỏng vấn sâu tổ chức đại diện cộng đồng  

  • Khảo sát trực tuyến

  • Nghiên cứu tài liệu

  • Quan sát, trải nghiệm

Từ đó đã tìm ra những kết quả nghiên cứu rõ ràng và đầy bất ngờ:

– Sự kỳ thị của xã hội:

+ Mặc dù các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội dân sự và các nhà hoạt động vì cộng đồng LGBT ghi nhận một số thành tựu về chính trị và xã hội, nhưng họ vẫn khẳng định định kiến và phân biệt đối xử vẫn còn phổ biến ở Việt Nam (Đỗ và cộng sự, 2019; Lương & Phạm, 2015; UNDP & USAID, 2014).

+ Một số nghiên cứu học thuật của các tác giả trong và ngoài nước đều bày tỏ sự đồng tình với quan điểm trên khi cho rằng hệ tư tưởng Nho giáo dẫn đến tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử vẫn còn phổ biến trên nhiều lĩnh vực của đời sống và vẫn còn sâu sắc, ăn sâu vào suy nghĩ của xã hội (Adamczyk & Cheng, 2015; Horton, 2019; Newton, 2015; Oosterhoff et al., 2014).

– Thiếu định hướng và kỹ năng nghề nghiệp: Nhiều thành viên trong cộng đồng không biết làm gì để xin một công việc tốt và lâu dài. Phần lớn chỉ kiếm tạm một công việc có thu nhập, thậm chí là lao động phổ thông để trang trải cuộc sống.

– Sự kỳ thị của nhà tuyển dụng:

+ Trong một nghiên cứu của Trung tâm ICS (một đơn vị làm về quyền của cộng đồng LGBTQIA+) với khảo sát 200 người trong cộng đồng, kết quả cho thấy có 7% người được khảo sát cho biết họ bị kỳ thị bởi đồng nghiệp, và 5% cho biết bị kỳ thị bởi người tuyển dụng.

+ Tỷ lệ này nghe có vẻ nhỏ nhưng nó ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý chung của cả cộng đồng LGBTQIA+ và có thể làm thay đổi đời sống làm việc của cộng đồng này. Thậm chí có người còn bị từ chối. (Nguồn: Báo Tuổi trẻ)

+ Từ kết quả nghiên cứu của iSEE: 2363 người trên 63 tỉnh thành Việt Nam đã trả lời hoàn thiện bảng hỏi trực tuyến, cùng với 10 cuộc phỏng vấn sâu cá nhân, hai cuộc thảo luận nhóm với tổng cộng tám người lựa chọn ngẫu nhiên từ những người đã trả lời bảng hỏi trực tuyến đã cho thấy rằng:

  • Khi xin việc: Gần 30% người từng bị từ chối việc làm vì là người LGBT, người chuyển giới (cả chuyển giới nam và chuyển giới nữ) là nhóm khó khăn nhất trong khâu xin việc, lần lượt 59% và 53%. Đặc biệt, tỷ lệ người chuyển giới bị từ chối khi xin việc (59.0%) cao gấp ba lần so với nhóm đồng tính và song tính (19.6%). Nhiều người thuộc cộng đồng LGBTQIA+ không dám công khai xu hướng tính dục và bản dạng giới của mình.

  • Trong quá trình làm việc: Người LGBT đối mặt với những nhận xét, hành động tiêu cực từ cả đồng nghiệp, sếp và khách hàng, đối tác, với tỷ lệ cao từ 33% tới gần 50%.

+ Nghiên cứu của tổ chức Hải Đăng: người chuyển giới nữ gặp rào cản trong tiếp cận việc làm cao tới 77% do họ bị bạo lực giới.

2. HẬU QUẢ

Từ kết quả nghiên cứu, Việt Hội Nhập nhận thấy một hậu quả tiềm ẩn đáng báo động mà ít người để ý tới. Cộng đồng bị nội tâm hóa về rào cản với xã hội xung quanh. Bề dày lịch sử coi LGBT là “bệnh hoạn” nên mặc dù cộng đồng đã cởi mở hơn nhưng sự kỳ thị vẫn còn rất nhiều. Hiện nay có nhiều trường dạy nghề, nhưng các giảng viên không hiểu cách tiếp cận và trao giá trị cho cộng đồng, thường họ bị ảnh hưởng bởi các khuôn mâu giới và có tác động ngược tới sự ủng hộ cho cộng đồng. Chính vì những rào cản xã hội và từ chính tâm lý không tự tin, hoài nghi về bản thân dẫn tới việc thiếu công ăn việc làm, thiếu an sinh xã hội, đời sống của những người thuộc cộng đồng LGBTQIA+ đã khó khăn lại càng trở nên khốn khổ hơn và họ dễ bị vướng vào các tệ nạn xã hội, và vô tình tạo ra một định kiến và cái nhìn không thiện cảm của những người không thuộc cộng đồng.

3. NGUYÊN NHÂN GỐC RỄ 

Trong quá trình nghiên cứu, Việt Hội Nhập tập trung khai thác, đào sâu vào việc phỏng vấn đại diện cộng đồng – những người có tiếng nói, đang hoạt động trong các dự án/ đơn vị liên quan tới LGBTQIA+, có sự ảnh hưởng lớn trong cộng đồng và cũng là những người thuộc cộng đồng LGBTQIA+ – để tìm ra chính xác nguyên nhân cốt lõi, từ đó giải quyết vấn đề một cách triệt để và bao quát trên diện rộng.

Thứ nhất, đối với sự kỳ thị của xã hội. Chúng tôi tìm ra nguyên nhân ẩn sâu dưới đây là do chưa có khung pháp lý bảo vệ cộng đồng LGBTQIA+. Quyền bình đẳng và quyền lợi về an sinh xã hội của cộng đồng còn mơ hồ và nhiều lỗ hổng. Nghiên cứu của iSEE đã chỉ ra rằng: Người yêu là người cùng giới thì sẽ không được nhận hỗ trợ ví dụ như bảo hiểm

hay chính sách, gia đình có 2 bố hoặc 2 mẹ thì khi sinh con sẽ không được nghỉ để chăm con trong khoảng thời gian bé còn là trẻ sơ sinh.

Thứ hai, chính là việc thiếu định hướng và kỹ năng nghề nghiệp. Nguyên nhân sâu xa là bởi người thuộc LGBTQIA+ bị nội tâm hóa nên không tự tin, những bạn có biểu hiện bên ngoài về giới sớm sẽ bị trêu chọc và phân biệt đối xử ở trường dẫn tới bỏ học từ sớm. Sự phân biệt không chỉ diễn ra ở các trường học công lập/ dân lập mà còn diễn ra tại các trường dạy nghề, nơi mà người thuộc LGBTQIA+ đặt niềm tin và hy vọng về một tương lai tươi sáng và tốt đẹp hơn nhưng tại đây, người thuộc cộng đồng LGBTQIA+ cũng bị phân biệt đối xử bởi giáo viên và nhà trường chưa có sự nhạy cảm về cộng đồng, họ vẫn dạy nghề theo khuôn mẫu giới.

Thứ ba, là sự kỳ thị của nhà tuyển dụng và môi trường làm việc. Đây có lẽ là nguyên nhân tác động trực tiếp và mạnh mẽ nhất tới cuộc sống và tương lai của cộng đồng LGBTQIA+. Các đơn vị tuyển dụng chưa công nhận sự đa dạng giới, công bằng giới và dung nạp giới trong môi trường lao động. Họ thường có xu hướng tuyển dụng những người không thuộc cộng đồng LGBTQIA+; đặc biệt là trong các ngành nghề dịch vụ đòi hỏi sự tiếp xúc thường xuyên với khách hàng, những người thuộc cộng đồng LGBTQIA+ nếu được tuyển chọn thì sẽ phải chấp nhận làm những công việc không tiếp xúc hoặc tiếp xúc rất ít với khách hàng, đôi khi họ phải chấp nhận làm những vị trí họ không yêu thích chỉ vì phải kiếm tiền để tạo dựng một cuộc sống đầy đủ, tốt đẹp. Cũng có nhiều người do chịu nhiều tổn thương từ việc bị phân biệt đối xử, họ trở nên lo âu và thiếu tự tin, thiếu sự hòa nhập, sống khép kín với mọi người. Điều này gây cản trở cho việc họ có được một công việc tốt và ổn định, giúp trang trải cuộc sống. 

III. TẦM NHÌN VÀ SỨ MỆNH

1. TẦM NHÌN 

Với mong muốn mãnh liệt và sự quyết tâm rực cháy, Việt Hội Nhập mong muốn trong 10 năm tới sẽ hình thành được một hệ sinh thái hỗ trợ hiệu quả cho cộng đồng có xu hướng tính dục thiểu số LGBTQIA+ được tiếp cận các cơ hội giáo dục có chất lượng và phát triển sự nghiệp bình đẳng như các nhóm đa số.

2. SỨ MỆNH

Việt Hội Nhập đặt ra mục tiêu giải quyết vấn đề bằng việc cung cấp các khóa đào tạo và cơ hội việc làm nhằm tăng khả năng hòa nhập xã hội của cộng đồng LGBTIQA+. Để thực hiện hóa mục tiêu và tạo ra tác động xã hội, chúng tôi hướng tới việc hoàn thành 2 sứ mệnh: 

  • Góp phần tăng số thanh niên và người lớn có kĩ năng liên quan, kể cả kĩ năng  nghề và kĩ thuật đủ để gia nhập thị trường lao động, có  việc làm thỏa đáng và tham gia kinh doanh (SDG 4.4)

  • Góp phần giảm tỷ lệ thanh niên không có việc làm, giáo dục hoặc đào tạo (SDG 8.6)

IV. GIẢI PHÁP

1. HOẠT ĐỘNG KINH DOANH 

Chúng tôi – Những người kiến tạo xã hội – xây dựng dự án LGBTQIA+ CAREER nhằm hỗ trợ nhóm cộng đồng thiểu số này xây dựng sự tự tin, hòa nhập xã hội, củng cố các kỹ năng phát triển nghề nghiệp và kết nối họ với các cơ hội việc làm thông qua một số hoạt động chính như sau: 

i) Đào tạo kỹ năng mềm và kỹ năng sống để giúp họ tự tin hơn khi ra ngoài xã hội; 

ii) Định hướng và tư vấn nghề nghiệp; 

iii) Cung cấp các khóa đào tạo để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp; 

iv) Tư vấn kết nối các cơ hội việc làm.

Dự án nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội, những người cung cấp dịch vụ cho họ (như ngân hàng, thị trường việc làm, v.v.) về quyền của họ và những khó khăn mà họ đang gặp phải để khiến nhóm đa số thay đổi suy nghĩ, có thái độ, phản ứng và nhìn nhận thân thiện hơn, nhằm dần hướng tới đẩy lùi sự kỳ thị đối với nhóm thiểu số này; Ngoài ra, dự án cũng tăng cường sự tự tin hòa nhập xã hội cho cộng đồng thiểu số. 

Giải pháp của chúng tôi không hề tạo ra một tác động tiêu cực nào, mà trái lại tạo ra các giá trị tích cực cho cộng đồng và xã hội.

2. KIẾN TẠO XÃ HỘI – TẠO GIÁ TRỊ KHÁC BIỆT 

Trong khóa học SBC101: Nhập môn sáng tạo có nói rằng: Chìa khóa cho một mô hình Social Constructionist (Người kiến tạo xã hội) thành công là sự tồn tại của khoảng trống quan trọng trên thị trường (tức là nhu cầu chưa được giải quyết và hạn chế/không có cạnh tranh) cũng như khả năng huy động các nguồn lực để xây dựng một thể chế bổ sung cho hệ thống thể chế hiện tại và vận hành cấu trúc thay thế để cung cấp hàng hóa và dịch vụ đáp ứng nhu cầu xã hội mà chính phủ, cơ quan và doanh nghiệp không thể đáp ứng. 

Nhận thấy hiện nay trên thị trường chưa có một đơn vị nào giải quyết nỗi đau về định hướng nghề nghiệp, phát triển kỹ năng & cơ hội việc làm cho cộng đồng nên Việt Hội Nhập tạo ra dự án với quyết tâm tăng cường nhận thức & tính chủ động tiếp cận các cơ hội đào tạo & việc làm bền vững cho cộng đồng LGBTQIA+; tăng cường nhận thức của nhà tuyển dụng về đa dạng giới, dung hợp giới trong môi trường làm việc. Việt Hội Nhập tìm mọi cách cải thiện giải pháp để khi dự án đi vào hoạt động chính thức, chúng tôi sẽ không gây tổn thương tới cộng đồng LGBTQIA+. 

Bên cạnh đó, chúng tôi huy động nguồn lực, sự hợp tác và hỗ trợ của các bên liên quan, bao gồm: cộng đồng LGBTQIA+, đại diện cộng đồng, cố vấn, đối tác, nhà tuyển dụng, nhà tài trợ, bên cung cấp dịch vụ phụ trợ & thay thế, giảng viên & chuyên gia giảng dạy, báo chí và gia đình & người thân của cộng đồng LGBTQIA+. Với tầm nhìn trong 10 năm tới sẽ hình thành được một hệ sinh thái hỗ trợ hiệu quả cho cộng đồng, sự phối kết hợp của các bên liên quan sẽ giúp chúng tôi đạt được hệ sinh thái bền vững, hiệu quả; góp phần nâng cao nhận thức của nhiều người ở các lĩnh vực đa dạng, từ đó thay đổi hành vi và thái độ của mọi người với cộng đồng LGBTQIA+, đặc biệt là thái độ của các doanh nghiệp địa phương tại Việt Nam nói chung và Hà Nội, Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng. 

Với vai trò đặc biệt của cộng đồng LGBTQIA+ trong xã hội, chúng tôi cũng cố gắng tạo ra sự đặc biệt & khác biệt với các đơn vị khác ở việc đảm bảo sẽ đào tạo và phát triển những coaches/ mentors/ trainers có hiểu biết về đa dạng giới, có khả năng tiếp cận và hỗ trợ được cộng đồng LGBTQIA+; cam kết đầu ra một cách minh bạch và sẵn sàng hỗ trợ hết mình để các bạn thuộc cộng đồng có thể tìm được công việc ưng ý mà không gặp những khó khăn, trở ngại liên quan tới định kiến về giới.

Chúng tôi hy vọng rằng sẽ tạo ra thật nhiều cơ hội để mọi thanh niên của cộng đồng LGBTQIA+ đều được học tập và phát triển kỹ năng nghề nghiệp thông qua dự án LGBTQIA+ CAREER!

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Báo Tuổi trẻ 

2. Có phải bởi vì tôi là LGBT? 

3. View of Changing Social Attitudes Towards Lgbt In Vietnam 

4. Denied work   

5. Hậu quả của việc phân biệt đối xử lên người LGBT 

6. Being LGBT in Asia: Viet Nam Country Report | United Nations Development Programme  

7. A very beautiful but heavy jacket 

8. Báo cáo về phân biệt đối xử dựa trên bản dạng giới trong tuyển dụng lao động tại Đông Nam Á