SBC101 case

Nhà xuất bản Kim Đồng và sự đổi mới xã hội dưới góc nhìn về chủ nghĩa tiêu dùng

  1. Đặt vấn đề

“Alo, anh/ chị ơi, anh/chị có đơn hàng abc giao tại địa chỉ xyz. Bây giờ mình nhận hàng được không ạ?” Đoạn thoại này đã không còn quá xa lạ trong cuộc sống hiện nay. Với sự bùng nổ của mua sắm trực tuyến, ai cũng có thể ngồi ở nhà, so sánh, lựa chọn và đặt mua các mặt hàng tiêu dùng chỉ với một vài thao tác nhanh chóng. Trên nền tảng mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng nhận định sản phẩm qua hình ảnh, video và thông tin mô tả, nên để thu hút khách hàng thì ngoài chất lượng, các mặt hàng cần đảm bảo mỹ quan, sáng tạo, nổi bật và bắt mắt. Bài toán đặt ra cho doanh nghiệp là làm thế nào để sản phẩm của mình khác biệt độc đáo, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và nổi trội hơn hàng loạt sản phẩm tương tự của đối thủ.

Cùng với đó, văn hóa tiêu dùng nhanh trong đại đa số giới trẻ hiện nay cũng gợi mở ý tưởng về sản phẩm đi kèm. Những combo giá hời hay mặt hàng dán nhãn “mọi người khác cũng xem” đã kích cầu tiêu thụ: người tiêu dùng mua thêm cả những sản phẩm ngoài dự tính ban đầu. Như vậy rõ ràng, doanh nghiệp cần tạo ra những mối liên kết giữa các sản phẩm của mình để có thêm phần doanh số “ăn theo”.

Bên cạnh văn hóa tiêu dùng, sự đổi mới văn hóa xã hội cũng là yếu tố quan trọng để xem xét, áp dụng vào cải tiến sản phẩm của doanh nghiệp. Các phân tích chỉ ra rằng, càng nhiều giá trị xã hội mà doanh nghiệp tạo ra, càng thu hút nhiều sự quan tâm, ủng hộ sản phẩm chiến lược. Nắm bắt thị hiếu tiêu dùng trong thời kì mới là then chốt phát triển. Khi xã hội ngày càng tiến bộ, tiêu dùng bền vững càng được đẩy mạnh và nâng cao. Hai xu hướng đổi mới dễ thấy hiện nay là sản phẩm xanh và văn hóa đọc. Các doanh nghiệp đã và đang chú trọng yếu tố này thông qua cải tiến sản phẩm và đóng góp cộng đồng.

Trong khuôn khổ bài nghiên cứu này, chúng tôi lựa chọn phân tích đổi mới xã hội của Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng dưới tác động của chủ nghĩa tiêu dùng. Ba câu hỏi lớn mà chúng tôi đặt ra ở đây là: Một doanh nghiệp về sách đã thay đổi như thế nào để thích ứng với xu hướng tiêu dùng hiện nay? Liệu có còn hướng đi tiềm năng khác cho doanh nghiệp? Bài học kinh nghiệm có thể học tập, ứng dụng từ sự đổi mới của NXB Kim Đồng.

  1. Đổi mới xã hội trong định hướng kinh doanh của NXB Kim Đồng
  2. Nhà xuất bản Kim Đồng

Nhà xuất bản Kim Đồng  trực thuộc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, được thành lập vào năm 1957, chuyên xuất bản sách và văn hóa phẩm phục vụ thiếu nhi và các bậc phụ huynh, đồng thời, quảng bá và giới thiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới. NXB đã và đang tổ chức bản thảo, biên soạn, biên dịch, xuất bản và phát hành các ấn phẩm có nội dung: giáo dục truyền thống dân tộc, giáo dục về tri thức, kiến thức… trên các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật nhằm cung cấp cho các em thiếu nhi cũng như các bậc phụ huynh các kiến thức cần thiết trong cuộc sống, những tinh hoa của tri thức nhân loại nhằm góp phần giáo dục và hình thành nhân cách thế hệ trẻ.

NXB Kim Đồng có tiền thân là “Tủ sách Kim Đồng”, do Hội Văn Nghệ, Đoàn Thanh niên Lao động và Hội Phụ nữ Việt Nam cùng phối hợp xuất bản ở chiến khu Việt Bắc từ những năm 1945. Từ khi đất nước vừa được thống nhất, Tủ sách Kim Đồng đã chung sức đẩy lùi “giặc dốt”, đưa văn học, nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, góp phần giáo dục thanh thiếu niên. Tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc Việt Nam lần thứ II vào tháng 2 năm 1957, một trong những nhiệm vụ được đề ra là sáng tác và xuất bản sách phục vụ thiếu nhi. Đây được xem như nền móng cho sự ra đời của NXB Kim Đồng. Ngày 17 tháng 6 năm 1957, NXB Kim Đồng chính thức được thành lập với sứ mệnh chăm sóc, giáo dục thanh thiếu nhi trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

Tính đến nay, trải qua 66 năm hình thành và phát triển, gắn liền với sự thay đổi của đất nước qua những bước thăng trầm, NXB Kim Đồng đã ghi những dấu ấn riêng để củng cố địa vị trước những đối thủ cạnh tranh lớn mạnh. Hàng loạt tập truyện tên tuổi đã ra đời: “Dế Mèn Phiêu Lưu Ký”, “Kính Vạn Hoa”, “Đất rừng Phương Nam”,… Một bước ngoặt đáng kể đến của NXB là bước chuyển mình khi phát hành bộ truyện tranh Nhật Bản nổi tiếng Doraemon của tác giả Fujiko F. Fujio (1992). Không chỉ mang tính giáo dục nhân cách sống, truyện tranh còn mang đậm tính giải trí, thẩm mỹ và tác động đến sự sáng tạo của trẻ. Trên đà thành công đó, NXB Kim Đồng tiếp tục cho ra mắt những bộ truyện tranh gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ: “Siêu Quậy Téppi”, “7 Viên Ngọc Rồng”, “Thám tử lừng danh Conan”,… Như vậy, có thể thấy NXB Kim Đồng đã đổi mới không ngừng để phục vụ độc giả, nuôi dưỡng đời sống tâm hồn cho thế hệ trẻ và tạo chỗ đứng vững chãi trong thị trường sách nước nhà.

Tuy nhiên, hiện nay, với sự phát triển của “tiêu dùng nhanh”, NXB Kim Đồng phải đối mặt với những thách thức từ thị hiếu tiêu dùng và các đối thủ cạnh tranh. Các sản phẩm với mẫu mã đa dạng, nội dung hấp dẫn với nhiều tính năng như đồ chơi, điện thoại, ipad dễ dàng thu hút các bạn nhỏ hơn so với sách truyện truyền thống. Hơn nữa, sự ra đời của sách điện tử với hình ảnh trực quan sinh động cũng tác động đến sức mua sách giấy của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất bản tư nhân và nhà nước khác cũng trau chuốt đầu tư, tung ra thị trường những sản phẩm không hề kém cạnh. Trước những khó khăn mới, NXB Kim Đồng đã có những đổi mới độc đáo trong chiến lược kinh doanh thời gian qua.

  1. Công cuộc đổi mới đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mới

Trong cuộc chạy đua trên thị trường trực tuyến, NXB Kim Đồng đã có những gian hàng trực tuyến trên các nền tảng mua sắm trực tuyến, nhận được đông đảo lượt quan tâm với những con số ấn tượng: Trang Facebook với hơn 1 triệu lượt thích, Shopeemall và Lazadamall với hàng chục, hàng trăm nghìn lượt theo dõi. Với tiềm năng nền tảng trong đa dạng thể loại phát hành, các gian hàng trực tuyến đều được trau chuốt với những dấu ấn, phong cách đặc trưng thu hút độc giả từng lứa tuổi.

Poster sản phẩm trên gian hàng online hướng đến độc giả nhỏ tuổi.

Bên cạnh sách truyện thông thường, NXB Kim Đồng còn triển khai các ấn bản đặc biệt cùng văn hóa phẩm độc quyền nhân những dịp kỷ niệm lớn, có thể kể đến gần đây như: bộ ấn phẩm kỷ niệm 65 năm đồng hành với trẻ thơ Việt Nam, ấn bản đặc biệt nhân kỷ niệm 50 năm ngày Doraemon ra đời.

Hai ấn bản đặc biệt ra mắt nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày chú mèo máy Doraemon ra đời (VOV)

Bên cạnh đó, NXB Kim Đồng cũng phối hợp cùng các đơn vị khác, tạo ra những sản phẩm lưu niệm như: lịch để bàn, áo thun, mô hình,…

Lịch để bàn, áo thun gắn liền với những bộ truyện nổi tiếng của NXB Kim Đồng

Như vậy có thể thấy, để thích ứng với sự đổi mới của xã hội, trong bối cảnh người tiêu dùng có nhiều lựa chọn giải trí, học hỏi văn học, nghệ thuật, NXB Kim Đồng đã áp dụng tư duy đổi mới, khéo léo len lỏi vào cuộc sống thường nhật của khách hàng.

Để đến gần hơn với độc giả, công tác xã hội cũng được NXB Kim Đồng chú trọng triển khai. Theo thống kê của đơn vị, NXB Kim Đồng đã tham gia nhiều hoạt động trách nhiệm xã hội như: xây trường, tặng tủ sách, trao học bổng,…

 

NXB Kim Đồng với những thành tựu công tác xã hội (NXB Kim Đồng, 2021)

  • Nhìn lại quá trình đổi mới và bài học phát triển

Qua những bước tiến trong quá trình tồn tại và phát triển, NXB Kim Đồng đã chứng minh được chỗ đứng trong lòng độc giả nhiều thế hệ cũng như vị trí vững vàng trong thị trường xuất bản. Hơn nửa thập kỷ đã qua, NXB Kim Đồng với những ý tưởng triển khai đáp ứng những đổi mới của xã hội đã chứng tỏ tầm quan trọng của việc đáp ứng những yêu cầu sáng tạo của chủ nghĩa tiêu dùng hiện nay. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, mô hình 4R (Rethink – Reuse – Reduce – Recycle) nên được khuyến khích triển khai thông qua những chương trình Đổi cũ lấy mới, Thư viện chung tay, Môi trường xanh,… theo phương châm: phát triển kinh tế, xã hội gắn liền với bảo vệ môi trường.

Bài học về sự đổi mới xã hội mà NXB Kim Đồng đã và đang áp dụng thành công có thể được ứng dụng cho các doanh nghiệp hay dự án khởi nghiệp trong tương lai sắp tới: (1) Đáp ứng văn hóa tiêu dùng mới phù hợp với định hướng phát triển của doanh nghiệp; (2) Sáng tạo, kết hợp linh hoạt các sản phẩm ứng dụng liên quan; (3) Đề cao, nghiêm túc thực hiện trách nhiệm xã hội có hiệu quả; (4) Đảm bảo phát triển bền vững gắn liền trách nhiệm môi trường.