SBC101 case

“SON GẤC P’ PHĂNG – TĂNG CƯỜNG SẮC ĐẸP VÀ THU NHẬP CHO MỌI PHỤ NỮ “

Tác giả: Huỳnh Hồng Mai

Trung tâm Sáng tạo- Ươm tạo khởi nghiệp,

Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

1.             GIỚI THIỆU:

Dự án khởi nghiệp Kinh doanh tạo tác động xã hội “Son gấc P’ Phăng – tăng cường sắc đẹp và thu nhập cho mọi phụ nữ “của Cô Nguyễn Thị Pha Phăng, là  Giáo viên trường trung học cơ sở của tỉnh Kiên Giang, một dự án khởi nghiệp tạo tác động xã hội. Đây là là câu chuyện về tấm lòng người phụ nữ luôn khát khao khởi nghiệp sáng tạo và hướng về cộng đồng:

2.             VẤN ĐỀ:

Là người phụ nữ sống ở nông thôn Việt Nam, khí hậu thường xuyên nóng bức, 5 năm về trước da mặt Cô Phăng bị nám nhẹ, tàn nhang, đồi mồi. Cô sử dụng rất nhiều dòng mỹ phẩm trên thị trường từ thiên nhiên đến những dòng mỹ phẩm ngoại nhập nhưng vẫn không hết. Cô Phăng may mắn gặp được người bạn chỉ cho dùng dầu từ hạt Gấc để trị nám.Cô Phăng bắt đầu nghiên cứu, tìm hiểu cách làm dầu gấc qua Internet từ bóc tách màng đỏ bao quanh hạt gấc với phương pháp chiết xuất thủ công. Trải qua một thời gian tìm tòi làm thử nhiều lần thì đã thành công, Cô Phăng bắt đầu trải nghiệm dùng dầu gấc này thoa lên da mặt cả ngày lẫn đêm thì qua khoảng 6 tháng sử dụng da mặt cô trắng sáng dần lên, vết nám, tàn nhang, đồi mồi mờ dần đi và không còn tình trạng nổi mụn như lúc trước. Cô Phăng đã đem dầu gấc này tặng cho bạn bè, người thân, đồng nghiệp và học sinh sử dụng đều phản hồi rất hiệu quả mặc dù tác dụng hơi chậm nhưng đảm bảo an toàn cho da. Khi sử dụng thời gian dài da sẽ đẹp hơn nhiều, từ đây ý tưởng làm đẹp cho phụ nữ bắt đầu nhen nhóm trong Cô.

Ở nông thôn Việt Nam, từ trước tới nay mọi người đều biết cây gấc rất dễ trồng, trái Gấc chín đỏ chỉ dùng để nấu xôi, đến mùa chín rộ ăn không hết, bán không ai mua, cho không ai lấy nên đành đem bỏ đi rất lãng phí. Trái Gấc chín đỏ với thành phần dinh dưỡng rất cao, ngày nay nhiều nhà khoa học đã chứng minh trong dầu Gấc có chứa chất Beta caroten (cao gấp 15,1 lần cà rốt, 68 lần cà chua), lycopen, Anpha-tocopherol là các chất chống oxi hóa cực mạnh và là nguồn bổ sung Vitamin A dưới dạng Carotenoit dùng để hỗ trợ và điều trị bệnh khô mắt và là nguồn khá tốt để bổ sung Vitamin A cho đôi mắt. Cô Phăng nghĩ từ trái gấc ta có thể tận dụng hết tất cả các thành phần của trái gấc chỉ bỏ có phần vỏ bên ngoài, để làm vừa làm mỹ phẩm vừa làm thực phẩm, vừa làm đẹp vừa an toàn cho sức khỏe vừa tạo sinh kế cho người nông dân khi thu nhập từ nguồn bán trái gấc.

Ngày nay trên thị trường có rất nhiều dòng mỹ phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc làm cho rất nhiều chị em tiền mất, tật mang. Mặt khác khoảng 80% chị em phụ nữ ngoài tuổi 30 da mặt bắt đầu xuất hiện đốm nâu, đốm đen, có người bị nám nhiều còn môi bị khô sạm và thâm đen do sử dụng nhiều dòng mỹ phẩm công nghiệp trên thị trường. Phụ nữ đang có xu hướng ưa chuộng những dòng mỹ phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên để làm đẹp mà lại đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Cô Phăng thấy có cơ hội thị trường, từ đó càng thêm quyết tâm khởi nghiệp.

3. GIẢI PHÁP:

Cô Phăng đã thử đi thử lại và nghiên cứu ra qui trình sản xuất từ  phần màng đỏ bao quanh hạt Gấc của trái Gấc chín đỏ để sản xuất ra 7 sản phẩm như sau và bán dần trong học sinh củả trường cô:

         + Dầu Gấc dưỡng da mặt: dưỡng ẩm cho da giúp da trắng sáng, mờ nám, tàn nhang, đồi mồi và ngăn ngừa mụn.

         + Dầu Gấc để ăn: Giúp sáng mắt, đẹp da từ bên trong.

         + Son Gấc dưỡng môi: không màu dành cho nam, màu nhẹ dành cho các chị e đã xăm môi và với gần 20 màu son khác nhau tùy theo sở thích cho chị em tha hồ lựa chọn. Ngoài ra còn có son kem với nhiều mẫu mã, màu sắc khác nhau.

         + Sa tế Gấc: dùng ướp thực phẩm chiên, xào, nướng,…tạo màu tự nhiên cho thực phẩm đẹp mắt và hấp dẫn hơn.

         + Cồn xoa bóp hạt Gấc: dùng xoa bóp trị đau nhức xương khớp, chấn thương, quai bị, viêm xoang,…

         + Cồn xoa bóp hạt Gấc – Nghệ – Gừng: dùng xoa bóp cho chị em phụ nữ sau sinh vừa dưỡng da, làm mờ vết rạn da đồng thời giữ ấm cho cơ thể giúp chị em không bị chứng ớn lạnh khi về già.

       + Bột Gấc: pha nước ấm uống trực tiếp hoặc tạo màu cho các loại bánh hay thực phẩm, phần này ta tận dụng luôn phần thịt Gấc màu vàng sát bên vỏ kết hợp màng đỏ bao quanh hạt sấy khô sau đó xay mịn thành bột đóng gói

Cô đã nỗ lực học tập và trong một lần tham dự lớp tập huấn khởi nghiệp cho phụ nữ, Cô Phăng đã được tiếp cận với khái niệm về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Cô được nhiều Thầy Cô từ Đội Đồng Cố vấn khởi nghiệp quốc gia dẫn dắt. Cô được Cô Huỳnh Hồng Mai, một Coach của SBC 2022 làm Mentor cho dự án. Cô được học tập về khởi nghiệp sáng tạo xã hội, được hướng dẫn đặt thương hiệu P’Phăng, từ đây thương hiệu mới ra đời.

Cô nhận thức ra rằng cô đang làm điều có ý nghĩa, những giá trị cô tạo ra đáp ứng được các mục tiêu phát triển bền vững của UNDP. Cô vừa tiêu thụ trái gấc giúp bà con nông dân có thu nhập để thoát đói nghèo. Cô tạo ra sản phẩm son gấc, tạo thêm việc làm cho nhiều phụ nữ làm đại lý bán hàng cho cô giúp phát triển kinh tế gia đình. Sản phẩm từ gấc thiên nhiên được kiểm định chất lượng tốt cho sức khoẻ người dùng và tiêu dùng thông minh.    

Cô được hướng dẫn đăng ký thành lập hộ kinh doanh cá thể và bắt đầu thực hiện các thủ tục pháp lý về sản xuất kinh doanh và đăng ký chất lượng sản phẩm lưu hành trên thị trường.

Tiếp đó, cô Phăng được hướng dẫn tham gia nhiều sự kiện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương, rồi lan đến khu vực và sự kiện cả nước. Cô đã đạt được nhiều thành tích nỗi bật. Hơn hết là qua các cuộc thi cô có dịp lần đầu tiên đi đến thành phố Hồ Chí Minh, đi đến thủ đô Hà Nội và các tỉnh thành trong cả nước. Cô được thấy phụ nữ Việt Nam đang sáng tạo như thế nào và nhiều bạn trẻ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Dự án của Cô Phăng đã giải quyết các vấn đề của xã hội, người nông dân có thu nhập thấy hạnh phúc hơn, phụ nữ ưa thích sản phẩm của cô và thích nghe cô kể chuyện về hành trình khởi nghiệp, bản thân cô đã lan toả tinh thần khởi nghiệp trong phụ nữ, trong nông dân tỉnh Kiên Giang và cả nước Việt Nam. Cô Phăng được đồng hành cùng Cô Mai, đã có nhiều buổi chia sẽ hành trình khởi nghiệp sáng tạo của Cô cho học sinh sinh viên, phụ nữ , nông dân lan truyền tinh thần khởi nghiệp sáng tạo xã hội.

Những thách thức gặp phải trong quá trình thực hiện Dự án khởi nghiệp:

Hiện tại tất cả các sản phẩm từ Gấc của P’Phăng đều được sản xuất thủ công, chưa có thiết bị máy móc và nhà xưởng nên chưa làm được giấy đủ điều kiện sản xuất kinh doanh để làm giấy công bố để bán ra thị trường hợp pháp, hiện tại chỉ bán trao tay cho khách trải nghiệm. Chưa đưa vào các cửa hàng bán mỹ phẩm hoặc lên các sàn thương mại điện tử. Mẫu mã của sản phẩm làm thủ công không đẹp, sang trọng như làm bằng máy và số lượng ít. Về chất lượng sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên nên tác dụng hơi chậm nên nhiều khách không thích, do đó mà lượng khách hàng quay lại chỉ khoảng 30%. Nhiều chị thích đẹp nhanh, mà không biết loại mỹ phẩm nào càng đẹp nhanh thì tác hại càng lớn cho da. Cô cũng gặp khó khăn khi đối thủ cạnh tranh có nguồn vốn lớn.

Hơn 1 năm qua cơ sở P’PHĂNG vẫn thường xuyên cùng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Sở công thương, Trung tâm xúc tiến của tỉnh tham gia kết nối kinh doanh, trưng bày ở hội chợ và các lễ hội trong và ngoài tỉnh, nhờ đó kết nối được rất nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh. Hiện tại các sản phẩm từ Gấc được bán chủ yếu trên các kênh Facebook, Zalo, Tiktok,…để tăng thêm thu nhập cũng như tìm kiếm thêm khách hàng tiềm năng. Hiện tại đạt doanh thu hàng tháng mới từ 5 triệu- 20 triệu đồng/tháng.

4.KẾT QUẢ VÀ LỢI ÍCH ĐẠT ĐƯỢC TỪ DỰ ÁN

Dự án khởi nghiệp gìn giữ, phát triển và nâng cao giá trị các nguồn lực, tài nguyên bản địa là cây Gấc, dễ trồng phù hợp với điều kiện khí hậu nước ta, ít sâu bệnh, ít tốn công chăm sóc, tuổi thọ lâu dài mà năng suất lại cao, hiện tại giá thu mua của P’PHĂNG cho nhà vườn là 15000đ/kg. Với giá này thì trồng Gấc sẽ lợi nhuận cao hơn một số loại rau củ, quả,…kể cả lúa. Về công nghệ thì cũng rất đơn giản dễ làm, dễ thực hiện nên nếu điều kiện phù hợp có thể chuyển giao cho tất cả các tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là miền Bắc những nơi có khí hậu lạnh và khắc nghiệt thì việc phát triển các sản phẩm từ gấc là tuyệt vời nhất vì đa phần người dân ở đây hiểu biết giá trị của cây Gấc hơn, họ thích xài những dòng mỹ phẩm từ gấc vì họ biết công dụng dưỡng ẩm cho da rất tốt. Đa số người dân mỗi nhà đều thích trồng Gấc vừa làm mái che trên sân cho mát lối đi, lại có trái chín để nấu xôi ăn.

Dự án khởi nghiệp tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao vị thế và bình đẳng giới cho phụ nữ. Cô Phăng là một giáo viên dạy Vật lý – Tin học ở trường THCS – THPT Long Thạnh, xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Một xã có đông đồng bào dân tộc Khơ me sinh sống, đa phần học sinh là ở nhà với ông bà còn cha mẹ thì đi làm ở xa gửi tiền về. Năm vừa qua do ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều công ty đóng cửa cha mẹ các em bỏ về quê làm thuê, một số còn lại bữa làm, bữa nghĩ do không có hàng,…cuộc sống nơi xứ người không đủ, còn thiếu trước hụt sau nên số tiền gửi về có hạn. vậy nên có rất nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn dẫn đến nguy cơ các em bỏ học rất nhiều. Hiện tại còn sản xuất thủ công sản lượng Gấc tiêu thụ chưa nhiều nên chỉ có khoảng 5 – 6 gia đình trồng. Với mong ước phát triển cơ sở sản xuất kinh doanh nhằm tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương, có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống, cho các em học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn có thêm việc làm ngoài giờ học để kiếm tiền trang trải phụ giúp ba mẹ đồng thời khắc phục được tình trạng bỏ học giữa chừng để đi làm.

   Bên cạnh đó còn một số chị em phụ nữ phải ở nhà lo cơm nước, chăm con không đi làm được, kinh tế hoàn toàn phụ thuộc vào chồng, nên mỗi tháng chồng đi làm cho bao nhiêu xài bấy nhiêu. Nhiều khi muốn mua sắm hay thèm ăn món gì đó cũng không dám mua, thậm chí mặt nám, tàn nhang đồi mồi nhiều cũng không có tiền mua mỹ phẩm dưỡng da. Thấu hiểu được điều đó nên khi các chị em đến với cơ sở P’PHĂNG vừa có việc làm để kiếm thêm thu nhập trong thời gian rãnh, vừa có thể sử dụng dầu Gấc dưỡng da, son gấc dưỡng môi với giá cả phù hợp với túi tiền của chị em, giúp chị em vừa có tiền vừa đẹp lên, giữ gìn được hạnh phúc gia đình.

Điểm nổi bật, sáng tạo và tính khả thi của Dự án khởi nghiệp:

Son gấc sẽ phục hồi môi khô sạm và thâm đen từ 3 – 6 tháng sau khi sử dụng. Dầu Gấc dưỡng da giúp da dưỡng ẩm, trị mụn, nám, tàn nhang và đồi mồi từ 3 – 6 tháng sau khi sử dụng. Dầu gấc có tác dụng làm giảm mụn dậy thì nên khi mẹ mua về cả mẹ và con cùng xài luôn. Với kinh nghiệm hơn 5 năm sản xuất dầu gấc thì nay dầu Gấc đã đạt chất lượng hơn, màu đỏ cam sáng và đậm đà hơn so với dầu Gấc bán trên thị trường. Giá cả sản phẩm hợp lý phù hợp cho những chị em lao động có thu nhập thấp khoảng 5 triệu đồng/tháng vẫn có thể mua xài được. Rẻ hơn so với các sản phẩm từ Gấc đang bán trên thị trường. Có cả một hệ sinh thái các sản phẩm từ trái gấc chín đỏ, sẽ tạo được  lòng tin cho khách hàng khi lựa chọn. Tên thương hiệu độc lạ gây chú ý cho khách hàng dễ nhớ.

Tác động của Dự án khởi nghiệp đến kinh tế – xã hội – môi trường của địa phương: Đây là một cải tiến mới cho ngành Nông Nghiệp trong việc trồng Gấc bán sẽ lợi nhuận cao hơn so với một số loại rau củ quả khác, ít sâu bệnh, ít sử dụng thuốc trừ sâu chỉ cần ủ phân rơm, phân chuồng dưới gốc cây là được nên sẽ hạn chế được ô nhiễm môi trường. Mỗi gia đình đều có thể tận dụng hàng rào, mái hiên,…cho dây Gấc leo lên vừa lấy bóng mát, vừa có cảnh đẹp để ngắm lại vừa bán được trái chín có tiền thêm để nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình.

Thành tích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Dự án:

§  Đạt giải khuyến khích cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THPT năm 2019, do Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Kiên Giang tổ chức.

§  Đạt giải khuyến khích Cuộc thi nữ doanh nhân với kế hoạch kinh doanh thành công của Cục xúc tiến thương mại – Bộ công thương tại Hà nội tổ chức với hình thức Online vào mùa Covid 2021.

§  Đạt giải nhất Cuộc thi viết Dự án khởi nghiệp của Hội phụ nữ tỉnh Kiên Giang tổ chức năm 2022.

§  Đạt giải nhì Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang về cuộc thi khởi nghiệp Nông nghiệp năm 2022.

§  Chung kết cuôc thi khởi nghiệp của Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp BSA tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức năm 2022.

§  Vào Top 20 Khởi nghiệp Quốc gia tại Hà Nội tháng 12/2022.

5. KẾT LUẬN:

Dự án khởi nghiệp kinh doanh đã tạo tác động tích cực đến kinh tế – xã hội – môi trường của địa phương, phát huy vai trò phụ nữ và lan truyền cảm hứng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cộng đồng.

7. CALL TO ACTION:

Dự án đang rất cần tìm nguồn hỗ trợ tài chính, tìm kiếm đối tác cung cấp             trang thiết bị, máy móc, công nghệ, và truyền thông, xây dựng thương hiệu, Dự án đang nỗ lực đào tạo 5 nhân sự nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và kỹ năng khởi nghiệp.   

8. PHỤ LỤC:

 Thông tin chung Dự án:

Tên tổ chức theo đăng ký kinh doanh: Hộ kinh doanh P’PHĂNG

Mã số thuế của tổ chức: 1701027837

Địa chỉ: Số 10, ấp Vĩnh Đằng, xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, Việt Nam

Chủ cơ sở và là người đại diện của tổ chức: Cô Nguyễn Thị Pha Phăng

Ngày, tháng, năm sinh: 20/11/1980

Điện thoại liên hệ: 096.121.7882

Email: [email protected]

Hình ảnh của dự án: